Từng Có Một Người, Yêu Tôi Như Sinh Mệnh - Chương 2: Tôi từng yêu em


Buổi tối hôm đó, Duy Duy không nói với tôi một lời nào, cô uống say khướt, gần như bất tỉnh nhân sự. Chúng tôi về đến nhà vào lúc bốn giờ sáng.

Tôn Gia Ngộ giúp tôi bế Duy Duy vào phòng ngủ, sau đó anh quay ra ngoài ngồi đợi ở ghế salon trong phòng khách.

Tôi lấy khăn mặt ướt lau mặt và tay của Duy Duy, rồi tôi lại vào nhà bếp pha hai tách cà phê cho tỉnh táo. Tôi vừa đưa ly cà phê cho Tôn Gia Ngộ vừa hỏi: "Anh và Duy Duy rốt cuộc xảy ra chuyện gì? Sao lại ra nông nỗi này?"

Tôn Gia Ngộ chống tay lên cằm không trả lời, một lúc sau anh mới ngẩng mặt, ánh mắt đầy vẻ nghi hoặc: "Mấy hôm trước cô ấy làm ầm ĩ lên rồi đòi chia tay với tôi, tôi nói chia tay thì chia tay. Ai biết tối nay cô ấy ăn nhầm phải thứ gì?"

Tôi hơi sững người, chợt nhớ ra vừa rồi lau tay cho Duy Duy, ngón tay cô trống không, không còn thấy chiếc nhẫn ba màu. Bây giờ tôi mới hiểu câu Duy Duy nói nói về Claudia có hàm ý gì, tôi bất giác thở dài. Trong lòng tôi thầm nghĩ, vậy mà anh không hiểu sao, Duy Duy đi tham gia vũ hội chỉ vì anh cũng có mặt ở nơi đó .

"Cậu ấy uống say đến mức này, anh không thương xót sao?"

"Tôi thương em hơn". Tôn Gia Ngộ nhếch mép cười, ý trêu chọc nồng đậm.

Anh cười trông rất đẹp, hàm răng trắng lóa, ngũ quan cân đối, khuôn mặt giống người Caucasus nhưng có nét tinh tế mà người bản xứ không thể sánh nổi. Vì vậy biết rõ anh đang trêu tôi nhưng hai má tôi vẫn nóng bừng.

"À...lần trước ở chợ "Bảy km"...Vụ đó...cám ơn anh". Tôi cố gắng bình tĩnh.

"Không ngờ em còn nhớ đến tôi, làm tôi cảm động quá". Tôn Gia Ngộ uống một hơi cạn ly cà phê: "Lúc tôi giao em cho cảnh sát, em không nói một lời nào, chỉ ôm chặt lấy tôi không chịu buông tay và khóc nức nở".

Tôi chưa kịp chuẩn bị tinh thần nên mặt đỏ bừng. Tôi ngượng đến mức không dám nhìn anh. Ký ức về chuyện xảy ra lúc đó đối với tôi chỉ là những mảnh vỡ, giống như người say rượu lúc tỉnh lại không nhớ bản thân đã từng làm gì.

Tôi ho khan một tiếng rồi đánh trống lảng: "Còn vụ gia hạn visa nữa, anh đã giúp tôi một việc lớn, tôi chưa có cơ hội trực tiếp cám ơn anh".

"Câu này tôi thích nghe". Tôn Gia Ngộ nửa cười nửa không nhìn tôi: "Em định cám ơn tôi như thế nào?"

Tôi không tiếp lời, trình độ bắt chuyện của người này quả là không tệ, nghĩ đến câu Duy Duy nói chỉ cần anh ta thật lòng với cô, lại nghĩ đến cô gái bản xứ có thân hình bốc lửa đi cùng anh ta, tôi lập tức sa sầm mặt.

"Em hãy nhớ, em còn nợ tôi một bữa cơm, tôi sẽ bảo lưu quyền đòi nợ bất cứ lúc nào". Tôn Gia Ngộ nói xong liền cầm áo khoác mở cửa đi ra ngoài.

Đến lúc trời tờ mờ sáng, Bành Duy Duy tỉnh lại. Cô lăn lộn trên giường, nôn ọe đầy giường. Tôi chạy đi chạy lại, thay ga giường quét dọn sàn nhà và lau mặt cho cô, đến khi làm xong tôi mệt đến mức không đứng dậy nổi.

Duy Duy mở mắt, ánh mắt cô phảng phất như không quen biết tôi. Một lúc sau, cô cất giọng khản đặc: "Cậu đi ngủ đi, tớ không sao".

"Duy Duy, tớ không quen anh ta. Chuyện tối qua chỉ là hiểu nhầm, thật đấy". Tôi vội giải thích.

"Không có gì, không liên quan đến cậu, là do tớ chẳng ra làm sao, tớ xin lỗi". Cô nở nụ cười mệt mỏi, phấn son trên mặt cô vẫn chưa lau sạch, phấn mắt chảy xuống mặt và xuống vỏ gối trắng tinh.

Gương mặt xinh đẹp và đôi mắt diễm lệ của cô lộ vẻ hung dữ, khiến tôi không dám nhiều lời: "Cậu mau dậy đi tắm, ăn chút đồ rồi đi ngủ đi".

Duy Duy nằm thẳng người trên giường không động đậy, đôi mắt cô được bao phủ bởi một lớp sương mù giống như người vừa bị một trận ốm nặng. "Cậu có biết không?" Duy Duy cười nhếch mép: "Tớ tưởng anh ta là Louis, nhưng không ngờ anh ta chỉ là Lestat".

(Louis (Brad Pitt) và Lestat (Tom Cruise), Claudia là ba nhân vật chính trong movie "Phỏng vấn Ma cà rồng")

Tôi bật cười thành tiếng: "Cậu đúng là đồ ngốc, cậu tưởng cậu là Claudia thật sao?".

"Triệu Mai, cậu nhớ đừng bao giờ dây vào anh ta. Anh ta không phải là con người mà là đồ khốn khiếp, là một tên phóng đãng".

Tôi hứa với Duy Duy, cô ấy ngáp dài ngáp ngắn, cuối cùng cũng chìm vào giấc ngủ.

Buổi sáng có hai tiết ngôn ngữ, tôi không muốn bỏ qua. Ngoài trời đã sáng hẳn, lúc này không thể lên giường đi ngủ bởi vì chỉ cần nằm xuống khó có thể tỉnh dậy trước mười hai giờ trưa. Thế là tôi tìm đôi giày thể thao ra ngoài tập thể dục buổi sáng.

Tôi chạy xuyên qua quảng trường vòng cung và Bậc thang Potemkin nổi tiếng, sau đó tôi chạy dọc theo đường bờ biển. Phía đối diện có một người chạy bộ qua chỗ tôi. Ánh mắt anh ta dừng lại trên mặt tôi một lúc, tôi không mấy bận tâm nên mỉm cười lấy lệ với anh ta, hai chúng tôi đi lướt qua nhau.

Lá rơi loạt xoạt dưới chân, không khí buổi sáng sớm tuy lạnh lẽo nhưng rất trong lành, phảng phất có hương vị của biển cả. Đằng sau có tiếng bước chân đuổi tới, tôi quay đầu nhìn, bắt gặp gương mặt và nụ cười như nắng xuân.

"Good morning!". Anh ta dùng tiếng Anh: "Tôi là Andre Vladimir Dmitri Ivanovich, cô còn nhớ tôi không?"

Tôi lặng lẽ quan sát một lúc, suýt nữa thốt lên: "Con ong mật..."

Đúng là anh ta, chỉ có điều hôm nay anh ta mặc thường phục, miệng cười dịu dàng, khác hoàn toàn vẻ lạnh lùng như hồi ở Cục cảnh sát.

Andre là cảnh sát của phòng tội phạm hình sự thuộc Cục cảnh sát Odessa, năm nay hai mươi lăm tuổi, tốt nghiệp trường đại học quốc lập Odessa. Đây là lời anh ta tự giới thiệu về mình.

Sau khi làm quen, dường như Andre có hứng thú đặc biệt với tôi. Mỗi buổi sáng sớm, anh đều đợi tôi ở đầu Bậc thang Potemkin để cùng tập thể dục buổi sáng với tôi, anh bắt tôi ngày nào cũng phải dậy sớm để gặp anh. Khi đã quen thân, thỉnh thoảng Andre hẹn tôi ra ngoài ăn cơm sau khi tôi tan học.

Tôi đại khái luôn bị những bộ đồng phục mê hoặc. Trước đây tôi từng bị người khác ném đá ở trên mạng chỉ vì tỏ thái độ sùng bái quân phục của nước Đức. Andre bình thường trông giống một cậu sinh viên, lúc mặc cảnh phục lại đẹp trai đến mức khó có thể hình dung. Đôi mắt xanh sâu thẳm của anh ta dưới chiếc mũ cảnh sát mang một vẻ lạnh lùng nghiêm nghị. Anh là người cảnh sát tuấn tú nhất mà tôi từng gặp.

So với sự sắc sảo và khôn ngoan của người Trung Quốc, Andre đầu óc đơn giản, chất phác thật thà như phần lớn người Đông Âu khác cùng độ tuổi.

Andre lái chiếc xe Lada hàng second hand, đây là nhãn hiệu xe hơi nổi tiếng của Liên Xô cũ. Bốn góc xe vuông chằn chặn, màu sắc cũ kỹ trông rất khó coi. Nhưng Andre vẫn không chịu thừa nhận xe của anh sắp trở thành đống sắt vụn.

Anh ta nghiêm túc kháng nghị: "Lada từng là một trong mười nhãn hiệu xe hơi hàng đầu thế giới".

Tôi không tranh cãi với anh, chỉ hỏi nhỏ: "Nghe nói giới cảnh sát các anh thu tiền "lậu" ác lắm, xã hội đen đều không đen bằng các anh. Sao anh lại nghèo như vậy?"

Mặt Andre đỏ như quả cà chua chín, anh cất cao thanh âm: "Mai, tôi mong cô xin lỗi tôi. Tôi không biết cô nghe tin này ở đâu nhưng từ trước đến nay tôi chưa bao giờ làm chuyện gì quá phận sự. Nghề cảnh sát chính là niềm kiêu hãnh của tôi".

"Tôi xin lỗi". Tôi không ngờ anh lại nhạy cảm như vậy nên lập tức nhận lỗi: "Tôi đã nặng lời quá".

"Đúng là cô phải xin lỗi tôi. Mai, cô là cô gái xinh đẹp, tôi thích cô, nhưng cô không thể hiểu lầm tôi". Andre nói rất nghiêm túc.

Andre quả thật rất đẹp trai ngay cả khi anh tức giận. Tôi thả hai tay vào túi quần, mỉm cười với anh: "Andre, anh đúng là thật thà quá. Trung Quốc có câu thành ngữ "gần mực thì đen", rồi sẽ có một ngày anh cảm thấy những tệ nạn này rất bình thường".

Andre thở dài, nhìn tôi bằng ánh mắt bất lực: "Có lẽ cô nói đúng, Cục cảnh sát ba tháng nay không phát lương cho chúng tôi, con người dù sao vẫn phải tiếp tục cuộc sống".

Những lời Andre nói là hiện thực, lương của một người cảnh sát thông thường chỉ khoảng bốn trăm hryvnia (tiền Ukraine), tương đương không đến tám mươi đô la Mỹ.

Từ năm 2002, nền kinh tế Ukraine bắt đầu hồi phục, nhưng thu nhập bình quân đầu người vẫn thấp hơn Trung Quốc, trong khi đó vật giá cao gấp đôi Trung Quốc. Vào mùa đông giá lạnh, rau củ quả đắt kinh khủng, một cân cà chua gần tám đô la, dưa chuột hơn mười hai đô la Mỹ. Mỗi tháng tôi có hơn hai trăm đô la sinh hoạt phí nên thỉnh thoảng còn đá qua đá lại chứ trên bàn ăn của người bản xứ chỉ có khoai tây, hành tây và cà rốt, ngán đến mức phản vị.

Tôi nhún vai, nhái giọng Vasilev: "Được rồi, đồng chí Andre, một khi có bánh mỳ thì sẽ có tất cả. Đi theo tôi, tôi mời anh uống rượu".

"Thật không?" Andre tỏ ra bất ngờ, thể hiện niềm vui từ đáy lòng. Tôi bước đến đón vòng tay ôm của anh và cũng đưa hai tay luồn ra sau lưng anh.

Đến Ukraine bốn tháng, ban đầu tôi tương đối hoảng sợ nhưng sau cũng quen dần phương thức bày tỏ tình cảm thân mật này của dân tộc Slavic. Tuy nhiên khi ôm cánh mày râu, tôi vẫn không tự nhiên lắm. Nhưng đối với Andre thì khác, trước mặt anh tôi luôn ăn nói và hành động tùy ý, có lẽ do anh là người thật thà thoải mái nên dễ khiến người khác mất đi sự cảnh giác.

Quán ăn rất đông người, đa phần là người dân bản xứ. Andre đưa tôi đi xuyên qua đám người tới một vị trí tương đối yên tĩnh ở bên trong.

Hôm đó anh uống rất nhiều, nói cũng rất nhiều. Anh kể về bố mẹ, anh chị em ruột thịt và tiền đồ của anh. Andre nói bằng tiếng Anh pha trộn đơn từ tiếng Nga, tôi chỉ im lặng lắng nghe.

Trên thực tế, cải cách xã hội thường diễn ra theo hai phương thức, một là diễn biến hòa bình, hai là nền chính trị thay đổi đột ngột. Dù là áp dụng phương thức nào đi chăng nữa thì người chịu khổ luôn luôn là những người dân bình thường dưới đáy tầng xã hội.

Cũng giống như nhiều người khác, Andre và gia đình anh hoài niệm cuộc sống của đất nước Liên Xô cũ trước khi bị giải thể. Lúc đó, đồng rúp từng là một trong những đồng tiền mạnh nhất trên thế giới. Còn bây giờ ở chợ đen nước Nga, một đô la Mỹ có thể đổi thành 400 rúp.

Hoàn cảnh gia đình Andre rất giống nhà tôi. Bố mẹ anh đều là kỹ sư nhà máy đóng tàu lớn nhất Ukraine, trước đây từng có thời gian làm việc ở Trung Quốc, vì vậy Andre cũng có thể nói một vài câu tiếng Trung đơn giản. Trước khi Liên Xô giải thể, bọn họ thuộc tầng lớp trung lưu có cuộc sống sung túc. Từ sau năm 91, cuộc sống gia đình họ hoàn toàn thay đổi.

Thời đại học, Andre chọn ngành lịch sử văn hóa phương Tây. Sau khi tốt nghiệp, anh tìm mọi cách gia nhập ngành cảnh sát, bởi vì nghề cảnh sát tương đối ổn định, được bảo đảm hơn các cơ quan nhà nước khác.

"Andre!" Cuối cùng tôi cũng có cơ hội nói chen ngang, đề cập với anh thắc mắc trong lòng tôi từ lâu: "Lần đầu tiên anh gặp tôi, trông tôi như thế nào?"

Tôi cố nhớ mà vẫn không thể nhớ ra, khoảng thời gian để trống trong ký ức tôi rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì.

"Rất thảm hại". Andre nhìn tôi, khóe mắt anh lộ ý cười dịu dàng: "Cô chỉ biết khóc nức nở, trên người dính đầy máu. Tôi còn tưởng cô bị thương nên bảo một nữ cảnh sát lau vết máu cho cô, mới phát hiện cô không sao cả. Sau đó tôi đưa cô vào phòng thẩm vấn, chuyện tiếp theo đó chắc cô nhớ rõ".

Câu nói của Andre gần giống lời kể của Tôn Gia Ngộ. Tôi đỏ mặt: "Chỉ có thế thôi sao?"

Anh chớp mắt: "Chỉ có thế thôi".

"Ở hiện trường chẳng phải còn một người Trung Quốc nữa? Anh ta khai những gì?"

"Người Trung Quốc họ Tôn phải không?". Andre nhìn tôi bằng ánh mắt ngờ vực, cuối cùng anh lắc đầu: "Anh ta cũng giống cô, chẳng nói gì cả. Cô quen anh ta à?"

"Không, tôi chỉ hiếu kỳ mà thôi". Nhìn vào đôi mắt Andre, tôi đột nhiên cảm thấy hơi áy náy: "Sao anh lại nhìn tôi như vậy?"

"May mà cô không quen anh ta". Andre nói chậm rãi: "Nếu không hai chúng ta không thể cùng nhau uống rượu".

"Tại sao?" Tôi mở to mắt.

"Tôn luôn là mục tiêu của cảnh sát và cơ quan thuế vụ. Anh ta ra vào cục cảnh sát không biết bao lần rồi, chỉ là chúng tôi không có đủ chứng cứ nên lần nào cũng phải thả anh ta".

Tôi hơi hiểu ý của Andre. Anh làm việc ở phòng tội phạm, nếu tôi quen thân với Tôn Gia Ngộ, là người cảnh sát phụ trách vụ án liên quan, anh không thể tiếp xúc với tôi.

"Nhưng..." Tôi ấp úng: "Mỗi lần đều phải mất tiền các anh mới thả người đúng không?"

Andre mím chặt môi không trả lời, nhưng vẻ mặt của anh rõ ràng mặc nhận.

Tôi cười nhạt: "Vừa rồi còn nói không hủ bại, người Trung Quốc trong con mắt cảnh sát Ukraine các anh chính là Citybank đúng không". (Citybank: Ngân hàng Mỹ)

"Anh ta là kẻ tình nghi phạm tội thật mà". Andre lắc đầu lia lịa: "Cô đã nghe nói đến "Khôi sắc thanh quan" chưa?"

("Khôi sắc thanh quan": Sau khi Liên Xô giải thể, các nước thuộc LX cũ cần nhập khẩu một lượng lớn hàng hóa rẻ tiền. Nhiều thương nhân Trung Quốc tiến hành buôn bán tiểu ngạch giữa biên giới Trung Nga. Lúc đó, thủ tục thanh quan của hải quan Nga phiền phức, thuế quan hỗn loạn. Để khích lệ nhập khẩu, đơn giản hóa thủ tục hải quan, Ủy ban hải quan Nga cho phép các công ty "Thanh quan" làm thủ tục nhập khẩu giúp chủ hàng. Những công ty này bắt tay với nhân viên hải quan, để họ tính thuế cả lô hàng. Sau này, phương thức báo quan này được áp dụng cho cả đường biển, đường sắt và đường bộ, được gọi tên chung là "Khôi sắc Thanh quan")

Tôi gật đầu.

"Tôn có một công ty Thanh quan như vậy. Anh ta giúp thương nhân nhập khẩu hàng hóa trốn thuế và buôn lậu".

"Thế thì sao nào?" Tôi trừng mắt với Andre.

Andre tỏ ra vô cùng kinh ngạc trước phản ứng không phân biệt phải trái của tôi. Anh xích lại gần, dưới đôi lông mày màu nâu vàng của anh là đôi mắt xanh lam lạnh lùng: "Mai, cô ấu trĩ quá, tôi biết anh ta là đồng bào của cô, nhưng chúng ta đang sống trên lãnh thổ Ukraine. Nếu anh phạm pháp thì sẽ bị trừng phạt".

Tôi ngậm miệng không còn lời nào với Andre. Nói tôi ấu trĩ, thật ra anh mới là người ngây thơ.

"Khôi sắc thanh quan" là sản phẩm đặc biệt của các nước thuộc Liên Xô cũ. Hàng hóa khi nhập khẩu không phân biệt đắt rẻ mà được tính thuế theo cả lô hàng, không có bất cứ giấy tờ thanh quan nào cả. Sau khi hàng nhập vào các nước này, chủ hàng phải tự gánh chịu phúc họa.

Mặc dù không biết rõ nội tình nhưng tôi có thể đoán ra những công ty thanh quan này về cơ bản đều do quan chức có máu mặt chống đỡ sau lưng. Nói một cách khác, quan chức và thương nhân câu kết. Nếu chính quyền địa phương ở Ukraine không nhắm mắt làm ngơ, "Khôi sắc thanh quan" làm sao có thể hoạt động sôi nổi như vậy.

Giới thương nhân ở Ukraine mỗi khi nhắc đến "Khôi sắc thanh quan" là nghiến răng kèn kẹt, nhưng họ cũng chẳng còn cách nào khác. Nếu nhập khẩu theo trình tự thông thường, sản phẩm sẽ bị đánh thuế 300%. Đối với những thương nhân kinh doanh mặt hàng rẻ tiền, nếu không đi đường ngang ngõ tắt thì họ chỉ còn nước uống gió đông bắc mà thôi.

Tuy nhiên tôi không ngờ Tôn Gia Ngộ lại làm nghề này, trước đó tôi tưởng anh ta là thương nhân chuyên nhập hàng về bán buôn.

Nhận ra tôi không vui, Andre không nói thêm điều gì, bầu không khí trở nên ngượng ngập.

Nhà hàng phát một bài hát cũ là ca khúc "Cây sơn tra", khiến tôi tự dưng nhớ đến bố mẹ. Thời còn trẻ, bố tôi thường kéo đàn phong cầm, tán đổ mẹ tôi nhờ chơi mấy bản nhạc của Liên Xô. Ca khúc này từ nhỏ tôi đã thuộc lòng.

Tôi lắc lư người nhẩm theo điệu nhạc: "Cây sơn tra hoa trắng nở dày đặc...a...cây sơn tra đáng yêu của em tại sao sầu muộn..."

Thấy tôi tự tìm vui, Andre nhẹ nhõm hẳn. Anh ngẩng đầu hỏi tôi: "Mai, tên tiếng Trung của cô có nghĩa là gì vậy?"

Tôi nâng cốc bia cười cười: "Anh thử đoán xem".

"M-e-i, phát âm giống May". Anh cúi đầu ngẫm nghĩ: "Là tháng năm? Hay ngày hè?"

"Sai rồi, tôi gợi ý cho anh nhé, anh thử đoán xem, ở Ukraine có loài hoa nào nở vào tháng năm?"

"Hoa linh lan? Diên vĩ? Hoa cúc?" Andre ngẩng lên nhìn trần nhà, bắt đầu đoán bừa: "Hoa hướng dương?"

Chất cồn bắt đầu lan tỏa trong cơ thể, tôi thấy người nhẹ bẫng, tâm trạng rất hưng phấn. Tôi bất giác cười lớn: "Không đúng, đoán tiếp".

"Lẽ nào là hoa hồng?" Thấy tôi gật đầu, Andre giơ tay vuốt má tôi: "Cái tên rất đẹp, rất thích hợp với cô".

Tôi cảm thấy hơi bất an, dịch người tránh bàn tay của anh: "Andre, anh say rồi".

Andre vẫn cố chấp vuốt ve mặt tôi: "Mai, cô có thể cho phép tôi nói yêu cô?".

Tôi đứng bật dậy: "Tôi mệt rồi. Xin lỗi, tôi muốn về nhà".

Andre ngây người, sau đó anh hiểu ý tôi, gương mặt lộ vẻ bi thương. Anh buông thõng tay nhìn tôi hồi lâu rồi mới gọi người phục vụ đến thanh toán nhưng bị tôi tranh trả tiền.

Uống bia không thể lái xe, chúng tôi chia tay ở cửa nhà hàng. Andre không nói đưa tôi về cũng không nói lời tạm biệt, anh một mình bỏ đi, tôi nghĩ chắc anh say thật rồi.

Tôi biết làm vậy là không công bằng với Andre, mất đi tình bạn với anh tôi cũng cảm thấy đáng tiếc. Thế nhưng người khiến trái tim tôi rung động lại không phải là anh.

Sau buổi tối hôm Halloween, tôi thường vô ý thức ngồi vào chỗ người đó từng ngồi, hồi tưởng lại từng cử chỉ và lời nói của anh. Biết rõ anh là người khiến Duy Duy đau lòng nhưng tôi không thể nào ngăn cấm trái tim mình.

Lúc này người đi đường thưa thớt, tôi kéo chặt áo khoác từ từ đi bộ về nhà. Tôi đột nhiên cảm thấy mặt lạnh buốt, hóa ra có tuyết rơi, hoa tuyết bay phấp phới trong không trung, mềm mại đến mức khó tin. Tôi ngẩng đầu, mũi bất giác cay cay. Tôi bỗng dưng thấy nhớ nhà, nhớ Bắc Kinh.

Odessa nằm ở miền Nam Ukraine, do được chắn bởi dãy núi Carpathians nên không bị ảnh hưởng bởi luồng khí lạnh từ Siberia. Nơi này không có gió lạnh đến mức rét run như ở Bắc Kinh, tuy nhiên Odessa bị phủ bởi lớp tuyết dày trong ba tháng liền. Hết trận tuyết này đến trận tuyết lớn khác đổ xuống thành phố, mãi đến tháng ba năm sau tuyết mới tan.

Vì vậy mùa đông ở đây khiến con người cảm thấy cô độc vô cùng.

-----------------------

Bước vào tháng mười hai, không khí Giáng sinh của phương Tây ngày một đậm đặc hơn.

Cũng giống như nghỉ Tết ở Trung Quốc, trước lễ giáng sinh tầm nửa tháng, không khí trong học viện thoải mái hẳn. Phòng tập đàn bình thường chật ních người đột nhiên vắng lặng. Nhân cơ hội này, tôi tranh thủ tập đàn nên về nhà ngày càng muộn hơn.

Từ sau lễ hội Halloween, Bành Duy Duy ủ rũ một thời gian, cô thường ở nhà cả ngày. Nhiều lần tôi từ trường học về, thấy cô cuộn mình trên ghế salon ngây người trước máy thu hình. Tivi có lúc phát tin tức, có lúc phát game show. Duy Duy không bật tiếng mà chỉ có ánh đèn từ tivi lúc tỏ lúc mờ hắt lên gương mặt thẫn thờ của cô.

Mãi đến hai tuần gần đây, Duy Duy mới trở lại bình thường. Cô bắt đầu cuộc sống phong phú của mình, tối nào cô cũng trang điểm rất đẹp, hẹn hò với nhiều người đàn ông khác nhau. Xe hơi đợi cô ở dưới nhà, từ Mercedes đến Porsche, giống như triển lãm ô tô không ngày nào lặp lại. Tuy nhiên, tôi không còn nhìn thấy chiếc BMW màu đen thêm một lần.

Tôi tìm cơ hội thận trọng hỏi Duy Duy: "Sau buổi tối hôm đó, Tôn Gia Ngộ có đến tìm cậu không?"

Đang cười tươi, cô lập tức thay đổi sắc mặt: "Từ nay về sau đừng nhắc người này trước mặt tớ".

Tôi cảm thấy rất ngượng, cũng biết mình đã lo chuyện không đâu. Tôi lập tức hắng giọng, tự nhắc nhở bản thân, sau này sẽ không nói với cô bất cứ vấn đề gì liên quan đến Tôn Gia Ngộ.

Một hôm đang ở trường thương lượng với bạn cùng lớp về chuyện đi đâu trong kỳ nghỉ, một bạn học nữ chạy đến nói với tôi: "Bạn à, có một anh rất đẹp trai đang chờ bạn ở bên ngoài".

Tôi tưởng đó là Andre, từ lúc chia tay ở quán ăn, gần một tháng nay anh không liên lạc với tôi. Thế là tôi vui vẻ chạy ra ngoài tìm anh.

Ngoài cửa phòng tập đàn có một người đàn ông mặc áo khoác da dài màu đen đứng quay lưng về phía tôi. Đèn đường ở phía trước chiếu vào người anh, làm nổi bật thân hình cao ráo hoàn hảo của anh, giống như mọi ánh đèn trên sân khấu tập trung vào anh.

Tôi đi chậm lại, đây không phải là Andre. Andre là chàng trai thuần phác luôn mặc đồ như sinh viên đại học. Còn người đàn ông này dù chỉ nhìn từ đằng sau cũng có thể đoán ra là một người sành điệu.

Tôi lập tức dừng bước, có lẽ bước chân vừa rồi làm kinh động đến anh. Anh từ từ quay lại, gương mặt đẹp như tượng điêu khắc và đôi mắt đen như đêm tối mùa đông dần hiện ra trước mắt tôi.

Người tìm tôi là Tôn Gia Ngộ. Tim tôi bắt đầu đập thình thịch, trong lòng tôi không hiểu tại sao xuất hiện niềm vui khó diễn tả.

"Chào em!" Anh cười tươi với tôi: "Tôi đến để đòi nợ, em không quên vụ thiếu tôi đấy chứ?"

Đứng trước mặt anh, tôi tự nhiên ăn không nên đọi nói chẳng nên lời. Lời cảnh cáo của Duy Duy phảng phất bên tai tôi nhưng tôi nghĩ ăn một bữa cơm chắc không sao cả, hơn nữa đúng là tôi còn mắc nợ anh. Sau một hồi đấu tranh tư tưởng, cuối cùng tôi ngoan ngoãn theo anh lên xe ô tô.

Tôn Gia Ngộ đưa tôi đến một câu lạc bộ tư nhân được xây dựng theo lối kiến trúc cổ kính từ thời Ekaterina II (Nữ hoàng Ekaterina II (1729-1796), bắt đầu trị vì Đế quốc Nga từ năm 1762 cho đến khi qua đời. Bà có công lớn trong việc đưa nước Nga trở thành một cường quốc ở châu Âu vào thế kỷ 18). Rèm che ấm áp và ánh sáng thích hợp khiến bên trong có phong cách sang trọng mà tinh tế.

Tôi dừng bước, đứng yên tại chỗ không chịu đi vào trong.

Tôn Gia Ngộ cảm thấy kỳ lạ: "Em làm sao vậy?"

"Nơi này tôi không mời nổi anh". Tôi thật thà trả lời.

"Em mời tôi?" Anh cười lớn: "Em rắp tâm làm tôi mất mặt phải không?"

"Đâu có, tôi thật sự muốn cám ơn anh mà".

Tôn Gia Ngộ không lên tiếng, kéo tay tôi đi thẳng vào trong. Người phục vụ tươi cười bước tới nghênh đón, lần này tôi ngoan ngoãn tháo cúc áo khoác ngoài, để mặc người phục vụ giúp tôi cởi áo và mũ treo vào tủ để đồ.

Bàn bên cạnh có người lại gần chào hỏi, hình như là người quen của Tôn Gia Ngộ: "Mark, lâu rồi không gặp". Người đó đảo mắt về phía tôi cười cười: "Lại thay em khác rồi à? Sao cậu càng chơi càng thụt lùi thế?"

"Mẹ kiếp, cậu cố ý làm mất mặt tôi đúng không?" Tôn Gia Ngộ sa sầm mặt.

Tôi chỉ còn cách quay đầu, giả bộ thưởng thức bức tranh treo trên tường.

Khi thức ăn dọn lên, Tôn Gia Ngộ hầu như không động đũa. Anh không ngừng bảo tôi: "Em ăn thử món này đi, là món đặc trưng của Ukraine, mùi vị thế nào?"

"Ngon lắm, không biết được làm từ nguyên liệu gì?"

"Nói thật là tôi cũng không biết, chỉ biết tiếng Nga gọi là "Люй Бу Тизи". Anh uốn lưỡi phát ra âm tiết kỳ quái.

Tôi không nhịn được cười: "Anh xuất thân từ chuyên ngành tiếng Nga phải không?"

"Không, tôi tự học thành tài. Tôi ở nơi quỷ quái này bảy năm, sắp đuổi kịp kháng chiến tám năm rồi".

Tôi buông dao dĩa, nhìn anh đầy kinh ngạc: "Anh ở nơi này những bảy năm? Chỉ nơi này thôi sao?"

"Có gì là lạ đâu?" Tôn Gia Ngộ châm một điều thuốc lá: "Em đừng ngồi ngây ra đấy, mau ăn đồ đi, có gọi thêm tương cá không?"

Tôi lắc đầu: "Không...không...". Vị tanh ngòm của món cá sống đó có lẽ suốt đời tôi không quên. Những chuyện khác không tính, chỉ riêng về phương diện đồ ăn thức uống không hợp khẩu vị là khó sống nổi. Vậy mà Tôn Gia Ngộ sống ở nơi này những bảy năm, tôi cảm thấy rất khâm phục anh.

Đợn đến khi bánh ngọt dọn lên, Tôn Gia Ngộ đẩy một cái hộp được đóng gói rất đẹp đến trước mặt tôi. Tôi nhìn thấy hai chữ cái nổi tiếng "CD" từng gặp vô số lần trên tạp chí thời trang. Mở nắp hộp, bên trong là sáu lọ nước hoa nhỏ có hình thù khác nhau.

"Tôi không biết loại nào thích hợp với em, em đều thử hết đi". Tôn Gia Ngộ nói.

"Tôi không bao giờ dùng nước hoa". Sờ lên những lọ thủy tinh lóng lánh, tuy biết rõ là không thỏa đáng nhưng tôi không nỡ trả lại, trong lòng tôi mâu thuẫn vô cùng.

"Con gái ai lại không dùng nước hoa". Anh nhoài người từ phía đối diện vỗ lên mu bàn bàn tay tôi: "Bảo bối, em nên học cách tạo ra một mùi hương đặc trưng của em".

Câu nói này khiến tôi động lòng, Duy Duy từng nói câu tương tự. Cô ấy bảo, người đã đi xa, mùi hương vẫn còn ở lại, mùi hương thoang thoảng đi vào lòng người sẽ để lại ấn tượng sâu sắc cho người đàn ông.

"Tôi không thể nhận". Do dự một lúc, tôi quyết định trả lại hộp nước hoa. Trên đời này làm gì có bữa trưa miễn phí, tôi còn không biết cái giá của bữa tối ngày hôm nay là gì?

"Cô bé này sao khách sáo thế?" Tôn Gia Ngộ tỏ ra mất kiên nhẫn, anh túm lấy ba lô của tôi và nhét hộp nước hoa vào trong.

Lúc này mà giằng co thì không hay lắm, tôi đành phải mỉm cười với anh: "Cám ơn anh."

Khi ra ngoài cửa Tôn Gia Ngộ nắm tay tôi, tôi để mặc tay tôi trong tay anh, mặt tôi nóng bừng. Lòng bàn tay anh vừa ấm áp vừa thô ráp, trên đó còn có vài vết chai không dày lắm.

Tôi gãi gãi ngón tay vào vết chai: "Đây là gì vậy? Bàn tay của người lao động vì nhân dân phục vụ?"

Tôn Gia Ngộ bày ra vẻ mặt kinh ngạc, cặp lông mày của anh nhếch lên thành số tám: "Ba tôi là Thời Truyền Dương, em không biết sao?"

"Thời...Thời gì cơ?" Tôi chưa nghe đến tên này bao giờ.

(Thời Truyền Dương sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo khổ, 14 tuổi tới Bắc Kinh làm nghề móc phân. Tinh thần không ngại khó ngại khổ của ông được Đảng và nhân dân tán dương. Từ năm 1952 ông làm việc tại đội công nhân vệ sinh thành phố Bắc Kinh và trở thành tấm gương lao động xuất sắc toàn quốc)

Tôn Gia Ngộ dậm chân thở dài: "Ôi trời, sao tôi có thể quên được chứ? Lại đây, để tôi xóa mù kiến thức cho em. Thời Truyền Dương trở thành tấm gương lao động năm 1975. Đúng rồi, lúc đó em còn chưa đời, nghề nghiệp của ông ấy là nghề móc phân. Không phải em không biết "móc phân" là gì đấy chứ? Từ nhỏ tôi đã đi theo ông ấy đến nghìn nhà vạn hộ...".

"Xì". Sau khi biết anh giỡn tôi, tôi liền giật tay khỏi tay anh, đi nhanh lên phía trước.



"Đừng tức giận mà". Tôn Gia Ngộ đuổi theo, ngoác miệng cười và giữ vai tôi: "Tôi nói thật, bị máy tập thể hình ma sát, được chưa nào?"

Tôi còn chưa kịp lên tiếng, ở bên cạnh có hai đứa trẻ con người bản xứ tầm bảy tám tuổi chạy đến kéo áo Tôn Gia Ngộ: "Chú ơi...". Giọng nói trẻ con rất dễ thương: "Chú mua gương chiếu hậu không? Năm mươi đô la một cái".

Một đứa trẻ giơ tay đưa một cái gương chiếu hậu cho anh xem.

"Khỏi". Tôn Gia Ngộ vừa xua tay vừa rút chìa khóa mở cửa xe cho tôi.

"Mua đi chú, giá trẻ không ngờ, không mua chú sẽ hối hận đấy". Hai đứa trẻ vẫn bám lấy Tôn Gia Ngộ không rời.

"Đi đi!" Anh bày ra bộ dạng hung dữ: "Nếu không tôi sẽ gọi cảnh sát đến bắt các cháu về đồn".

Nhắc đến cảnh sát, hai đứa trẻ lập tức buông tay ngó trước ngó sau. Nhân cơ hội đó, Tôn Gia Ngộ đẩy hai đứa trẻ và chui vào trong xe. Sau khi đóng cửa và khởi động xe, anh nói: "Em không biết đâu, đám trẻ này đặc biệt đáng ghét...".

Anh đột nhiên cất cao giọng: "Tôi biết ngay mà, đây là kiểu chó gì thế không biết?"

Tôi quay sang, lập tức phì cười thành tiếng. Hóa ra gương chiếu hậu hai bên xe của anh đã biến mất.

Tôn Gia Ngộ đẩy cửa xe hét lên bằng tiếng Nga: "Hai thằng kia, mau quay lại đây nhanh lên".

Nhìn sắc mặt hung dữ của anh, hai đứa trẻ sợ quá chạy mất. Nhưng chúng nhỏ người chân ngắn, rất nhanh bị Tôn Gia Ngộ túm được và xách cổ áo quay lại.

Sau một hồi trả giá, Tôn Gia Ngộ cuối cùng phải móc ba mươi đô la chuộc lại hai cái gương chiếu hậu của anh. Lúc anh cầm gương quay lại xe, anh tức đến nỗi tái mặt.

Tôi ngồi ở trên ghế cười gập bụng, nói không ra hơi: "Vụ mua bán này...hời quá còn gì. Nếu anh mua cái mới, BMW...ít nhất cũng phải mất một trăm đô?"

Sắc mặt Tôn Gia Ngộ từ từ dịu đi, anh giơ tay véo má tôi: "Ba mươi đô la có thể đổi lấy nụ cười của em, cũng đáng lắm".

Tôi vẫn chỉ cười mà không lên tiếng. Hai đứa trẻ con nhận tiền rồi chạy mất, cách đó không xa có mấy thiếu niên bản xứ tầm mười lăm mười sáu tuổi, chúng rõ ràng mới là thủ phạm.

Tôn Gia Ngộ nhếch mép cười: "Lũ khốn này, tôi bị chúng chơi mấy lần rồi. Thảo nào vừa nãy tôi thấy cái gương quen mắt thế?"

Tôi Gia Ngộ đưa tôi về nhà, xe đi qua nhiều con đường trong thành phố. Hai hàng đèn đường trôi qua vun vút như dải sao băng.

Đưa mắt nhìn gương mặt nghiêng anh tuấn của Tôn Gia Ngộ, nụ cười trên môi tôi dần tắt hẳn. Chỉ cần anh nhìn tôi là tim tôi đập thình thịch. Đây là lần đầu tiên tôi có cảm giác đó, tôi không thể hiểu nổi tại sao lại như vậy. Tôi hy vọng tôi có thể biết nguyên nhân, liệu đây có phải là cảm giác của tình yêu? Khi bạn thật sự yêu một người, bạn sẽ chẳng cần lý do hay suy luận logic.

Tôn Gia Ngộ liếc nhìn tôi: "Sao em đột nhiên im lặng thế?"

"Tôi không biết nói gì cả?"

Anh mỉm cười hỏi tôi: "Em là người Bắc Kinh?"

"Ừ"

"Tốt nghiệp trường trung học âm nhạc?"

"Ừ".

"Ngoài "ừ" ra em còn biết nói từ khác hay không?"

Tôi lườm anh: "Hộ chiếu của tôi anh xem rồi. Tôi và Bành Duy Duy là bạn học anh cũng biết rồi. Anh hỏi những câu đó có phải phí lời không?"

Tôn Gia Ngộ cắn môi: "Thì tôi giúp em tìm đề tài nói chuyện mà. Thôi được rồi, đến lượt em hỏi tôi đi".

"Người khác gọi anh là Mark, đó là tên tiếng Anh của anh sao?" Tôi hỏi.

"Ừ". Anh trả lời giống hệt tôi.

"Tại sao lại là Mark? Có điển tích gì không?"

"Điển tích ư" Tôn Gia Ngộ ngẫm nghĩ một lúc, anh mỉm cười: "Có, nhưng khá tầm thường. Hồi đi học, bà giáo nước ngoài đặt tên tiếng Anh cho tôi là Jay. Tôi không đồng ý, kiên quyết lấy tên Mark. Bà giáo truy vấn "why? why?"

"Rốt cuộc là vì sao?" Tôi cũng rất hiếu kỳ.

"Bởi vì...". Anh trả lời chậm rãi: "Lúc đó đồng bảng Anh và đồng đô la Mỹ tụt dốc nghiêm trọng, chỉ có đồng mark của Đức là ổn định".

"Tội nghiệp bà giáo". Tôi cố nhịn cười: "Bà ấy có bị anh làm cho tức chết không?"

Tôn Gia Ngộ lắc đầu một cách nghiêm túc: "Không, bà giáo thường bị tôi chọc tức nên quen rồi. Em không biết đâu, từ thời tiểu học đến đại học, rất ít thầy cô thích tôi. Mỗi lần họp phụ huynh, người nhà tôi chẳng ai muốn tham gia. Bởi vì lần nào tôi cũng bị nêu gương xấu ở buổi họp".

"Nếu thầy giáo yêu cầu nhất định tham gia thì sao?"

"Thế thì mọi người để ông nội tôi đi. Dù sao ông nội tôi cũng bị điếc, thầy giáo nói gì ông đều nghe không hiểu".

"Ôi trời, chắc thầy cô đời trước không chịu thắp hương nên mới vớ phải học trò như anh?" Tôi phải dùng sức cuộn chặt tay thành nắm đấm mới có thể nhịn cười.

"Nếu không có tôi, cuộc đời dạy học của họ chắc sẽ tẻ nhạt lắm. Một cô giáo ngữ văn ở trường trung học S thậm chí đến giờ vẫn còn nhớ tôi. Một lần vào kỳ thi cuối kỳ, đề thi yêu cầu điền vào chỗ trống cổ văn. Vế trên là "Cùng tắc độc thiện kỳ thân". À, em có biết vế sau là gì không?"

("Cùng tắc độc thiện kỳ thân": Câu nói về Đại trượng phu của Mạnh Tử, nghĩa là mỗi người nên làm tốt phận sự của mình)

"Chẳng phải là Phú tắc gì đó thiên hạ gì đó sao?"

"Gì là gì? Tôi điền thẳng câu "Phú tắc thê thiếp thành quần" (Giàu có thì thê thiếp có cả đám), cô giáo tức đến hộc máu mắt, nói đời này gặp được tôi coi như cô mở mắt!"

Tôi cười đến mức cả người rung bần bật: "Bố mẹ anh không quản lý anh ư?"

"Mẹ tôi?" Tôn Gia Ngộ nhún vai: "Mẹ tôi còn lợi hại hơn tôi nữa. Lúc đó vì muốn trốn buổi tự học buổi tối để xem "Anh hùng xạ điêu", tôi suốt ngày tìm mẹ tôi mè nheo. Mẹ tôi ngại phiền phức nên viết sẵn cả tập đơn xin nghỉ học cho tôi, lúc nào dùng chỉ cần điền ngày tháng, các loại lý do lý trấu trên đời đều đưa ra hết. Một học kỳ tôi sốt cao đến bảy tám lần, khiến cô chủ nhiệm sợ hết hồn, tưởng tôi mắc bệnh máu trắng".

Tôi đập vào bàn đồng hồ trước mặt cười ra nước mắt: "Anh như vậy vẫn có thể thi đỗ đại học? Thật vô lý quá".

Tôn Gia Ngộ dương dương đắc ý: "Nhắc đến mới nói, năm đó tôi thi đỗ đại học B với số điểm chuẩn, khiến cả trường xôn xao".

Gần đến khu chung cư, nụ cười trên môi Tôn Gia Ngộ vụt tắt. Anh đạp mạnh phanh xe, tôi không kịp phòng bị nên người bắn về phía trước, đầu suýt nữa đập vào cửa kính.

"Chuyện gì vậy?" Tôi hỏi.

Tôn Gia Ngộ không trả lời, anh nhìn chăm chú vào một nơi nào đó ở phía trước, vẻ mặt anh kinh ngạc và đầy nghi hoặc, dường như không tin vào mắt mình. Tôi dõi theo ánh mắt anh, thấy một chiếc xe Mercedes màu đen đỗ ngay dưới tòa chung cư tôi sống. Đèn xe chiếu sáng choang, biển số xe bắt đầu bằng ba chữ cái "TTT" rất nổi bật.

Một đôi nam nữ đang chìm trong kích tình, hôn nhau cuồng nhiệt. Cô gái hơi ngả người về đằng sau, gần như nằm xuống nắp xe. Cô gái có mái tóc dài đến thắt lưng và thân hình dong dỏng như bông hoa đẹp đẽ trong đêm tối kia không phải là Duy Duy thì còn ai vào đây?

Duy Duy cũng nghe thấy tiếng động cơ ô tô, cô quay mặt về phía xe chúng tôi. Nhìn từ xa, gương mặt cô lờ mờ không rõ ràng, nhưng dường như cô nở nụ cười châm biếm. Sau đó Duy Duy lại quay sang dính chặt vào người đàn ông và hôn quên cả trời đất.

Tôi lén nhìn Tôn Gia Ngộ, sắc mặt anh khó coi đến mức đáng sợ. Tôi nhất thời không biết nói gì, chỉ còn cách trầm mặc.

Một lúc sau anh đột nhiên đánh tay lái quay đầu xe, lái xe đi về hướng ngược lại.

"Này, này...Anh làm gì vậy?". Tôi vội vàng kêu lên: "Đã đến nơi rồi, anh mau thả tôi xuống đi."

Tôn Gia Ngộ dường như không nghe thấy tôi nói, anh phóng xe rời khỏi khu chung cư. Một lúc sau, anh mới dừng lại ở bên đường, tắt máy rồi châm một điếu thuốc.

Thỉnh thoảng có xe ô tô đi qua, ánh đèn pha chiếu vào gương mặt vô cảm của Tôn Gia Ngộ.

Tôi cảm thấy vừa chán nản vừa ngượng ngập. Vừa rồi rõ ràng Duy Duy cố ý để anh nhìn thấy cảnh kích thích cuối cùng. Tôn Gia Ngộ hiển nhiên vẫn còn vương vấn tình cũ với Duy Duy, vậy thì tôi ở đây có ý nghĩa gì?

Tôi đẩy cửa xe chào tạm biệt Tôn Gia Ngộ: "Tôi về đây".

Anh "ừ" một tiếng, thần sắc có vẻ không tỉnh táo. Có lẽ là tôi đa nghi, thần sắc tương tự hình như từng xuất hiện trên gương mặt Duy Duy. Một đôi nam thanh nữ tú nổi bật như vậy, bọn họ ở bên nhau mới xứng đôi, tôi không thể nào sánh bằng Duy Duy, cũng không ngốc đến mức làm trò tiêu khiển của người khác.

Mới đi được mười mấy mét, Tôn Gia Ngộ đuổi theo túm tay tôi: "Em làm sao vậy? Lên xe, tôi đưa em về."

Tôi nở nụ cười miễn cưỡng: "Cám ơn bữa tối của anh, tôi có thể tự đi về."

Tôn Gia Ngộ nắm lấy vai tôi và xoay người tôi lại: "Đang yên đang lành sao tự nhiên em lại có thái độ này? Tôi đắc tội với em à?"

"Không, chỉ là tâm trạng của tôi không tốt lắm".

"Con gái Trung Quốc đều như vậy?" Tôn Gia Ngộ tỏ ra mất kiên nhẫn: "Người sau còn khó hầu hơn cả người trước."

Tôi mỉm cười: "Chào anh!"

Lần này Tôn Gia Ngộ không đuổi theo tôi.

Tôi đi bộ rất lâu ở trên đường. Thời tiết lạnh vô cùng, mỗi hơi thở là có làn khói trắng bay ra. Tôi muốn cười nhưng nước mắt cứ thế trào xuống bờ mi.

Tôi đã sai rồi, tôi bị giọng nói trong đêm đen mê hoặc, mơ một giấc mơ xa vời và có một vọng tưởng không nên có. Giống như tôi bóc từng lớp từng lớp hành tây đến mức mắt cay xè và chảy đầy nước nhưng bên trong không hề có thứ khiến tôi vui mừng.

Khi tôi về đến nhà, trong phòng tối om, Duy Duy vẫn không thấy đâu. Tôi không muốn bật đèn, lần mò trong bóng tối rót một ly vodka rồi từ từ uống sạch. Sau đó tôi mới hiểu ra, tại sao Duy Duy ở nhà hay uống loại rượu mạnh này.

Tôi nằm ngủ trên ghế salon. Sáng sớm hôm sau khi tôi mở mắt, trời đã sáng hẳn. Cửa phòng Duy Duy vẫn đóng, không có dấu hiệu cô trở về. Tôi vội vàng đi đánh răng rửa mặt, thay quần áo để đến trường. Do rượu vẫn còn chưa tiêu tán hết, đầu tôi đau như búa bổ, trong gương hiện lên một gương mặt lờ đờ, hai mắt thâm quầng đáng sợ đến mức tôi thề sau này sẽ không bao giờ đụng đến rượu nữa.

Giữa giờ học, điện thoại di động trong ba lô rung lên. Tôi ra ngoài nghe điện thoại, người ở đầu bên kia là Bành Duy Duy, cô ấy đang ở đồn cảnh sát.

"Triệu Mai, mang ít tiền đến chuộc tớ đi". Giọng nói của Duy Duy khàn khàn mệt mỏi chứ không trong trẻo như mọi ngày.

Tôi giật bắn mình, suýt nữa điện thoại rơi xuống đất: "Duy Duy, xảy ra chuyện gì vậy?"

Cô nói với giọng thê thảm: "Cậu đến rồi nói sau".


"Được, cậu đợi tớ".

Tôi cúp điện thoại, vội đến mức không kịp thu sách vở vào ba lô, chỉ cầm ví tiền và hộ chiếu chạy ra khỏi cổng trường.

Trên đường phố Odessa rất hiếm gặp xe taxi, tôi chặn một chiếc xe tư nhân mặc cả giá tiền rồi đi ngân hàng rút tiền, sau đó mới đến Cục cảnh sát. Trên đường đi, tôi không quên gọi điện cho Andre: "Andre, phiền anh hỏi giúp tôi, rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì?"

Đến Cục cảnh sát, Andre mặc cảnh phục đã đứng chờ tôi ở cổng. Tôi nhảy xuống xe chạy nhanh về phía anh. Andre đón tôi và đưa tôi vào bên trong. Anh thông báo vắn tắt với tôi: "Hai người nửa đêm cãi lộn, cô gái định đốt nhà, hàng xóm đã báo cảnh sát".

"Duy Duy đốt nhà?" Tôi gần như không thể tin vào tai mình: "Người kia là ai?"

Andre không trả lời mà hất mặt về phía đầu hành lang.

Tôi đưa mắt theo Andre, không ngờ nhìn thấy Tôn Gia Ngộ. Tôn Gia Ngộ đứng tựa vào bờ tường bất động, trên miệng anh ngậm một điếu thuốc lá. Vai anh dán một miếng băng y tế, áo sơ mi đầy vết máu. Mặt anh có mấy xước do móng tay cào.

Tôi nhìn Tôn Gia Ngộ, tim đột nhiên nhói đau. Tôi nhất thời ngây người, quên cả mục đích đến đây.

Đến khi Andre ở bên cạnh nhắc nhở: "Mai, cô làm sao vậy?", tôi mới định thần: "Bành Duy Duy đâu rồi?"

"Cô ấy vẫn còn ở bên trong, đang bị cảnh sát thẩm vấn".

Andre hướng dẫn tôi làm một loạt thủ tục bảo lãnh phức tạp. Tôi không kìm chế nổi chất vấn: "Tại sao người đàn ông kia không phải làm mấy thứ này?"

"Cô Triệu, bạn cô ra tay làm người ta bị thương trước. Bạn cô còn mưu đồ đốt nhà để cùng chết với người ta. Căn hộ suýt nữa bị nổ vì khí đốt rò rỉ". Một nữ cảnh sát trả lời tôi: "Cô thử nói xem nên kiện ai?"

Tôi lập tức á khẩu, lặng lẽ nộp tiền và ký tên. Có đáng làm vậy không Duy Duy? Tôi cảm thán trong lòng, cứ phải gây chuyện đến mức hai bên cùng thiệt hại hay sao? Vậy mà trong mắt người không liên quan, những điều cậu làm chỉ là trò cười mà thôi.

Sau khi tôi hoàn tất thủ tục, một nữ cảnh sát dẫn Duy Duy ra ngoài. Qua một đêm không ngủ, trông cô rất tiều tụy, cằm nhọn hẳn ra, hai mắt trống rỗng. Tôi vốn định giáo huấn cô vài câu nhưng nhìn bộ dạng này của cô, tôi không thể thốt ra lời.

Nhìn thấy tôi, ánh mắt Duy Duy lóe lên một tia hổ thẹn nhưng biến mất ngay tức khắc, cô bướng bỉnh ngẩng cao đầu, môi mím chặt.

Tôi quay sang cám ơn Andre. Anh hôn lên trán tôi và lưu luyến nói lời tạm biệt.

Tôi cười chê Andre giống đàn bà nhưng trong lòng rất cảm động. Trên thực tế tôi vẫn còn ngại vì chuyện xảy ra ở quán rượu lần trước. Thanh niên người bản xứ như Andre được cái có ưu điểm là buồn vui hay tức giận đều thể hiện hết ra bên ngoài, họ không nói một đằng nghĩ một nẻo như người Trung Quốc.

Tôi đỡ Duy Duy ra về, không ngờ Tôn Gia Ngộ đứng chờ ở ngoài cổng.

"Để tôi đưa hai người về". Anh tiến lại gần.

"Anh cút đi". Duy Duy rít lên, giọng điệu không hề khách khí.

"Bành Duy Duy". Tôn Gia Ngộ cau mày, anh có vẻ mất hết kiên nhẫn, gần như nghiến răng nói: "Cô muốn tự hủy hoại đời mình không ai ngăn cản cô. Vụ này tôi sẽ giải quyết hộ cô, nhưng từ nay về sau sẽ không còn ai giúp cô thu dọn hậu sự nữa. Cô hãy tự lo liệu đi".

"Cám ơn!" Duy Duy nhìn anh bằng ánh mắt lạnh lùng: "Tôn Gia Ngộ, tôi cũng nói cho anh biết, rồi có một ngày tôi sẽ bắt anh trả giá, anh hãy chuẩn bị thu dọn hậu sự của mình ấy".

Duy Duy kéo tay tôi đi qua Tôn Gia Ngộ về phía trước. Tôi quay đầu nhìn anh, anh cũng nhìn tôi chăm chú, ánh mắt anh vô cùng phức tạp nhưng tôi nhìn không ra bất cứ đầu mối nào.

Trên đường về, tôi không thể kìm chế mở miệng hỏi Duy Duy: "Rốt cuộc xảy ra chuyện gì?"

"Không có gì, tớ và anh ta đều thấy đối phương chướng mắt". Duy Duy tựa đầu vào cửa xe nói nhỏ.

Tôi không tiện hỏi thêm nữa. Về nhà tôi giục Duy Duy tắm rửa thay quần áo, đợi cô ăn cơm xong lên giường nằm nghỉ, tôi mới quay về trường lấy ba lô.

Buổi tối tôi xem qua vài trang sách, dọn dẹp phòng cũng đã hơn mười hai giờ. Tôi thay bộ đồ ngủ chui vào chăn, đang định tắt đèn, cửa phòng vang lên hai tiếng gõ nhẹ, Duy Duy ở bên ngoài nói: "Triệu Mai, cậu ngủ chưa?"

"Chưa!". Tôi lập tức ngồi dậy.

Duy Duy ngồi ở thành giường rất lâu. Cô chỉ nhìn xuống chân mà không chịu lên tiếng.

Tôi kéo tay cô vào trong chăn ủ ấm: "Duy Duy...".

Cô đột nhiên bật cười: "Có phải hôm nay cậu thấy tớ mất mặt lắm không?"

"Đâu có". Tôi thề: "Nếu tớ nghĩ như vậy, ra cửa sẽ bị sét đánh".

"Bạn ngốc này, có ai bắt cậu thề đâu". Duy Duy nhếch môi, nở nụ cười vừa miễn cưỡng vừa tự chế giễu bản thân: "Cậu biết không Triệu Mai? Tớ lớn bằng từng này, chưa bao giờ cầu xin người khác. Cho dù khi tên khốn đó bỏ trốn để lại món nợ lớn, trong tay tớ không có một đồng xu, đám chủ nợ suốt ngày chặn ở cửa, chủ nhà đuổi tớ ra đường, tớ cũng không mở miệng cầu xin bất cứ ai...".

Gương mặt Duy Duy lộ vẻ bi thương, giọng nói cô hơi nghẹn ngào. Tôi không dám cắt lời, im lặng chờ đợi cô nói tiếp: "Thế mà tớ đã cầu xin anh ta, tớ đã xuống nước cầu xin anh ta, anh ta lại cứ theo ý mình...Cả đời này cũng chỉ có hai người đàn ông khiến tớ thật sự động lòng...".

Giọt nước mắt từ từ chảy xuống má Duy Duy, cô nhắm nghiền hai mắt. Thế giới xung quanh trở nên yên tĩnh vô cùng, tôi nhìn cô chăm chú, lòng cũng từ từ chùng xuống.

"Vậy...hai người sau này..." Tôi thận trọng hỏi Duy Duy.

"Không có sau này, đối với tớ người đó đã chết rồi". Duy Duy mở mắt, gương mặt cô khôi phục lại thần sắc lạnh lùng như cũ.

Duy Duy không nói thêm một câu nào, cô đứng dậy rời khỏi phòng tôi. Tôi nghe thấy tiếng cửa phòng cô khép lại và tiếng khóa lách cách.

Cả đêm tôi lăn đi lộn lại ngủ không yên giấc. Trước đây tôi không hề hay biết, hóa ra tình yêu không hoàn toàn là phong hoa tuyết nguyệt, nó cũng nặng nề, khiến con người đau khổ, khiến con người rơi lệ, gây tổn hại đến đối phương và bản thân cũng bị tổn thương.

---------------------------

Sau sự kiện đó Bành Duy Duy thay đổi rất nhiều, cô diện đồ theo phong cách hở hang gợi cảm, khí chất tao nhã của một học sinh ngành nghệ thuật biến mất hoàn toàn. Cô qua đêm ở bên ngoài là chuyện thường ngày.

Tôi rất lo lắng cho Duy Duy nhưng không biết khuyên nhủ cô thế nào, lại không giúp gì được cho cô nên chỉ có thể làm người câm điếc.

Andre và tôi khôi phục lại tình bạn như trước. Mỗi buổi sáng sớm anh đợi tôi ở chỗ cũ.

Andre có ấn tượng sâu sắc về Bành Duy Duy, anh truy vấn: "Mai, cô bạn xinh đẹp của cô ra sao rồi?"

Tôi chỉ thở dài mà không lên tiếng.

Andre lại hỏi: "Chuyện ngày hôm đó là thế nào? Sắc mặt của cô khó coi thật đấy".

"Anh đừng lo". Tôi vỗ vai Andre: "Sau này sẽ không xảy ra chuyện đó nữa".

Andre trầm mặc một lúc lâu mới mở miệng: "Cô thích người đàn ông đó?"

"Người đàn ông nào? Anh nói gì vậy?" Tôi giả vờ hỏi, mặt bất giác nóng bừng.

Andre thở dài: "Chúng tôi có một câu nói, chỉ có tình yêu và cơn ho là không thể che dấu. Ánh mắt cô nhìn anh ta khác hẳn bình thường".

"Andre, tôi chẳng hiểu anh nói gì". Tôi kêu lên như bị đắc tội. Sau đó tôi chạy nhanh về phía trước, kỳ thực hai má tôi đã đỏ ửng.

"Tôi không trách cô đâu". Andre đuổi theo tôi: "Anh ta đẹp trai như vậy, tôi nghĩ khó có cô gái nào chống đỡ nổi. Trong những người đàn ông Trung Quốc tôi từng gặp, hiếm có ai sáng sủa và phong độ như anh ta".

Tôi lườm Andre, nói một câu tiếng Trung: "Vậy thì anh theo đuổi anh ta đi, tôi có thể làm bà mối cho anh. Bây giờ gay cũng thịnh hành lắm".

Andre cười tươi vỗ vào gáy tôi. Anh tuy không hiểu tôi nói gì nhưng từ vẻ mặt của tôi, anh đại khái cũng đoán ra câu nói của tôi không phải là ý tốt.

Tôi đột nhiên cảm thấy tức ngực, muốn làm gì đó để phát tiết, thế là tôi vượt qua Andre chạy nhanh về đằng trước.

"Mai, cô đừng sợ!" Andre lại đuổi theo tôi: "Nếu anh ta không yêu cô, còn có tôi yêu cô!"

Tôi bị anh chọc cười nên cảm thấy tâm trạng thoải mái hẳn. Tôi thích sự thẳng thắn chân thành của Andre. Anh không che dấu bất cứ điều gì trong lòng, không làm bộ làm tịch, cũng rất hiếm khi nhăn mặt nhíu mày. Còn người như Tôn Gia Ngộ, ai thích anh cũng chỉ có một kết cục, Duy Duy là ví dụ điển hình.

"Thôi đi Andre". Tôi bày ra vẻ mặt khoa trương: "Phụ nữ Ukraine sống khổ lắm. Sinh bảy tám đứa trẻ, mỗi ngày phải đi làm kiếm tiền, về nhà đầu tắt mặt tối lo việc gia đình. Tôi nghe nói có trường hợp còn quá đáng hơn, mỗi khi chồng về vợ phải quỳ xuống cởi giầy cho chồng...".

Andre cười ha ha, anh giơ tay bóp mũi tôi: "Nói bậy, ít nhất tôi sẽ không đối xử với vợ tôi như vậy".

Tôi cười hì hì, chạy vòng hoa các bồn hoa trốn Andre. Trước mặt xuất hiện một chiếc Cadillac sang trọng có biển số 666888. Tôi cảm thấy thú vị nên đuổi theo chiếc xe. Vừa chạy tôi vừa nói cho Andre biết người Trung Quốc rất sùng bái những con số đẹp.

Andre gật đầu: "Ukraine cũng có người như vậy. Cô biết không? Nếu ba con số đầu của biển số xe là 000 thì chắc chắn đó là xe của chính phủ".

Tôi liền hỏi anh: "Vậy ba chữ số đầu là TTT thì có nghĩa như thế nào?"

Sắc mặt anh lập tức nghiêm lại: "Trùm xã hội đen Trung Quốc".

"Gì cơ?"

"Bọn họ đều gọi là "Đại ca".

Tôi tối sầm mặt, giống như bị ai đó đấm một cú vào người, hai chân bủn rủn, tôi ngồi phịch xuống đất.

Andre hoảng hốt quay lại đỡ tôi: "Mai, cô không sao đấy chứ?"

Tôi ôm đầu gối ngồi dưới đất, hai tay vừa bị ma sát trên mặt đất nên đau rát.

Andre quỳ bên cạnh tôi : "Cô không sao đấy chứ? Cô có làm sao không?" Anh căng thẳng đến nỗi giọng nói lạc đi.

Tôi túm tay anh hỏi lại: "Andre, vừa rồi anh nói có thật không? Anh không lừa tôi đấy chứ?"

"Tôi chưa bao giờ nói dối cô". Vẻ mặt anh rất nghiêm túc, giống như đang thề trước giáo đường: "Mấy năm nay giới hắc bang Trung Quốc ở Ukraine ngày một lớn mạnh. Một số người địa vị tương đối cao, trên biển xe của họ đều bắt đầu bằng ba chữ cái TTT".

Một luồng khí lạnh bao trùm lấy người tôi, khiến tôi như bị đông cứng, mãi cũng không thể động đậy.

Tôi thật sự không hiểu, tuy tính Duy Duy hơi nóng nảy nhưng từ trước đến nay cô làm chuyện gì cũng có chừng mực. Tại sao cô lại dính đến xã hội đen?


Từng Có Một Người, Yêu Tôi Như Sinh Mệnh - Chương 2: Tôi từng yêu em