EDITOR: HANNAH
Lần đầu tiên gặp mặt, tôi không ưa bạn đâu.
Ai ngờ sau này chúng ta lại thân thiết như vậy.
Hai chúng ta một người như mùa hạ, một người tựa mùa thu
Kết hợp lại có thể biến mùa đông thành mùa xuân
Thứ có thể tồn tại đến khi bạc đầu cũng không chỉ có tình yêu.
*****
Cô bạn thân hỏi tôi gần đây đang bận việc gì thế, cứ như rồng thấy đầu không thấy đuôi, thi thoảng đăng bài trên WeChat, buôn chuyện được 2-3 câu lại không thấy đâu nữa. Ngày trước việc tiểu tiện của con còn chưa ổn định, tôi bận chăm sóc con, cũng có lúc vì dỗ con ngủ mà mình phải thức, bất chợt lại ngủ thiếp đi. Bây giờ con đã lớn rồi, lại có ông bà ngoại giúp chăm con, những chuyện phải lo lắng cũng bớt đi, không còn như trước nữa.
Tôi giải thích với cô ấy rằng tôi đang bận viết bản thảo, gần đây đang viết một quyển hồi ký.
Cô ấy vừa nghe xong đã hào hứng nói: “Có viết về thời gian học đại học không?”
Cái gì mà viết hay không viết, quan trọng là viết có hay không mới đúng chứ? Tôi đáp: “Tất nhiên là có.”
Cô ấy càng hưng phấn, nhắc tôi: “Viết về mình, viết về mình, cậu nhất định phải viết về mình đấy. Chờ khi nào sách xuất bản phải tặng cho mình một quyển. Được thấy mình xuất hiện trong sách của cậu, ôi trời, tưởng tượng thôi cũng thấy thần kỳ rồi, quá là tuyệt diệu.”
Từ tên cuốn sách này có thể thấy được, nội dung chính là tình yêu, muốn thêm nhân vật cô bạn thân qua đường không khó nhưng nghe cô ấy nói thì có vẻ một vai phụ tuyệt đối không thể thỏa mãn bạn tôi được đâu.
Muốn thêm vào như thế nào đây?
Bạn thân quả đúng là bạn thân, thấy tôi không nói gì từ đầu dây bên kia, cô ấy liền biết tôi khó xử. Cô ấy căn bản không có ý định cảm thông, chia sẻ với tôi, lập tức gào lên, cảnh cáo và uy hiếp là kỹ xảo chuyên dụng của cô ấy: “Đừng có mơ mình gửi cho cậu đồ ngọt của cửa hàng phố tây nữa nhé, còn nữa, lần trước đi du lịch về mình còn mua quà cho cậu là lọ nước hoa phiên bản giới hạn, không viết thì đừng mơ có quà.”
Phiền hà ghê, nhưng mà tôi vẫn mắc bẫy.
Thực ra nghĩ lại, hai chúng tôi từ lúc quen biết đến khi thấu hiểu nhau, tình cảm từ lúc còn nông tới khi sâu đậm, sau khi tốt nghiệp chia tách nhau, thi thoảng gặp mặt, vẫn luôn không hết chuyện để nói. Ba tháng liền không liên hệ nhưng bất kể ai gọi điện tới thì cũng luôn có đề tài để nói chuyện, không hề có cảm giác xa lạ.
Tương lai sau này, chúng tôi vẫn sẽ có nhau.
001.
Cô bạn thân tôi họ J, ngày khai giảng năm thứ nhất đại học, cô ấy xuất hiện với mái tóc vàng rực rỡ, nhan sắc đó rất hấp dẫn ánh nhìn của mọi người xung quanh.
Vì bị thương ở chân, cô ấy không tham gia đợt huấn luyện quân sự.
Mỗi khi mồ hôi đổ như tắm, nhìn thấy cô ấy ngồi dưới bóng cây nhàn nhã, tôi lại thấy ghen tị. Vì cả khóa chỉ có mình cô ấy không tham gia huấn luyện quân sự nên đương nhiên nổi lên ít lời bàn tán. Tôi thu thập tin tức xong, tổng hợp thành mấy chữ: “Cao, xinh, giàu, có ‘ô dù’.”
Nghe nói khi cô ấy tới báo danh, lãnh đạo trường còn giúp cô ấy xách hành lý, mời mọi người tham khảo bộ phim “Nếu em mạnh khỏe”, cảnh Mạc An Kỳ tới trường báo danh, đương nhiên, cái cô Mạc An Kỳ kia còn khoa trương hơn.
Nói thật, tôi là đứa trẻ xuất thân từ gia đình bình dân, từ sâu thẳm trong lòng tôi vẫn luôn cảm thấy, đối với những nhân vật quá mức lợi hại, tôi chỉ nên đứng dõi theo từ xa là được rồi. Thân thiết quá thì người ta tưởng mình nịnh bợ, cứ giữ một khoảng cách thích hợp thì không sợ bị nói xấu.
Cứ như vậy, tôi và bạn học J cho tới năm thứ ba đại học vẫn là kiểu quan hệ gặp mặt nhau trên đường thì gật đầu chào.
Tình cảm có bước ngoặt là nhờ việc làm bài tập. Tôi là cán bộ phụ trách học tập của lớp. Vì sao tôi lại giữ chức cán bộ này ấy hả? Đây là do trước khi vào đại học, các anh các chị trong nhà dạy tôi: khi đi học, nhất định phải giữ chức cán bộ gì đó, sau đó tham gia hội sinh viên, đến khi tốt nghiệp sẽ rất thuận lợi. Tôi là đứa trẻ biết nghe lời, tiết tự học buổi tối đầu tiên sau khi khai giảng là buổi tranh cử ban cán bộ, tôi liền lên sân khấu ứng cử, sau khi bỏ phiếu, tôi trở thành cán bộ phụ trách học tập, làm suốt bốn năm.
Nói thật, chuyện này đem lại lợi ích nhiều nhưng tác hại cũng không ít. Khi thu bài luận, tôi thường xuyên phải gọi hết cho người này người kia, tiền điện thoại có khi lên đến gấp đôi so với người khác. Đến khi thu được hết bài luận của cả khoa, tôi muốn nộp lúc nào thì nộp. Bạn học J rất khó khăn trong chuyện nộp bài vì cô ấy thường xuyên bay hết nơi này đến nơi khác, có đôi lúc không tìm thấy cô ấy đâu cả.
Không biết các giáo sư đại học khác tính điểm tổng kết cuối kỳ như thế nào, thông thường tiêu chuẩn được các thầy giáo của Đại học G sử dụng là: điểm thường xuyên chiếm 40%, điểm thi cuối kỳ chiếm 60%. Điểm thường xuyên bao gồm chủ yếu là điểm chuyên cần điểm danh và bài luận.
Nhưng mà ở Đại học G cũng có quy định bất thành văn: Ba lần điểm danh vắng mặt hoặc ba lần không nộp bài luận thì phải học lại.
Năm thứ ba đại học có rất nhiều môn, số lượng bài luận phải nộp cũng nhiều, bạn học J nhờ những bạn khác làm bài giúp cô ấy, nhưng những bạn khác lo cho bản thân còn chưa xong, không ai giúp được cô ấy. Cuối cùng, cô ấy tìm tôi giúp đỡ, dù sao tôi cũng có ưu thế trời cho, ngẫm lại đó cũng chẳng phải là việc gì khó nên tôi nhận lời.
Tôi thoải mái như vậy khiến cô ấy rất bất ngờ, cô ấy nhìn tôi, nói: “A, Tiểu Y à, sau này nếu cậu có việc gì cần mình giúp đỡ thì cứ nói thẳng, mình nhất định cố gắng hết sức.”
Nhìn dáng vẻ chị đại giang hồ của cô ấy, tôi cũng không khách khí: “Được, có việc gì mình sẽ tìm cậu.”
Cứ thế, vì chuyện bài luận mà J tìm tôi vài lần, sau đó dù cho cô ấy không nhờ nữa nhưng chỉ cần có bài tập, tôi sẽ giúp cô ấy làm một bài.
Đừng hỏi tôi vì sao làm thế, đơn giản là vì đỡ rách việc thôi, tôi không muốn cứ phải đi tìm cô ấy đòi bài luận.
Cho tới một lần, không cần phải nộp bài luận mà gửi email trực tiếp cho thầy giáo. Khi cô ấy biết về việc phải nộp bài luận, cô ấy mới phát hiện ra tôi vẫn luôn lặng lẽ giúp cô ấy làm bài.
Các bạn đoán phản ứng đầu tiên của cô ấy là cảm động đến rơi nước mắt tới tìm tôi phải không? Sai rồi, cô ấy có tới tìm tôi nhưng không cảm động tới rơi nước mắt mà chỉ mua cho tôi thật nhiều thức ăn cho chó.
Đúng thế, hồi học đại học tôi có nuôi một con chó. (Lời của editor: Là con cờ hó đã sủa thầy S xong chị Y vì bênh con cờ hó này mà bắt nạt thầy S đấy.) Chú chó này là của đàn chị khoa khác đã tốt nghiệp để lại. Hồi trước khi chị ấy còn nuôi chú chó này, tôi thường xuyên chơi với nó, qua một thời gian dài cũng có chút cảm tình, khi biết chị ấy vì rời trường phải đem cho nó đi, tôi đau lòng xin nhận nuôi nó.
Ký túc xá không cho phép nuôi thú nuôi, tôi liền thuê phòng ở bên ngoài. Thầy S cũng bị chính con chó này trêu chọc, mọi người đọc những chương giới thiệu trước hẳn đã biết.
J mua cho tôi rất nhiều thức ăn cho chó, thức ăn đợt này còn chưa hết mà cô ấy đã mua thêm đợt nữa. Ngoại trừ thức ăn cho chó còn có quần áo, ổ cho chó, dù sao cô ấy chỉ cần dạo phố sẽ mua mua mua liên tục sau đó đưa đồ tới. Tôi muốn trả lại, cô ấy liền hỏi: “Mình lấy về cho ai dùng? Không lẽ mình tự dùng?”
Thôi được rồi, tôi cũng chỉ có thể nhận rồi lại nhận, nhận cho tới khi con chó tôi nuôi lại thích ăn đồ hộp thức ăn cho mèo của con mèo hàng xóm mới thôi, sau đó J lại bắt đầu tặng đồ hộp thức ăn cho mèo.
Tuy rằng tôi thuê nhà bên ngoài nhưng vẫn thường xuyên về ký túc xá. Khu ký túc tôi ở khá bình thường, tám người một phòng, do trường sắp xếp từ lúc khai giảng. Trường học có khu ký túc chung cư, giá thuê cao gấp đôi, có thể xin chuyển. Tôi nghĩ ký túc xá mười hai người một phòng thời cấp ba tôi cũng từng ở, tám người một phòng thì có là gì? Thế nên tôi không đổi.
Sau đó vì tôi nuôi chó nên mới dọn ra ngoài ở. Xung quanh trường học có những nhà thuê giá rẻ chuyên dành cho sinh viên, phí thuê chỉ 100-200 tệ/tháng, nhưng mà phòng rất nhỏ, điều kiện cũng rất đơn sơ.
Ngày hôm đó tôi nhớ ra có mấy quyển sách vẫn để ở ký túc xá, hai ngày nữa có lẽ sẽ cần dùng đến vì thế tôi quyết định về lấy. Vừa lên tầng trên rẽ sang, còn chưa đến được trước cửa phòng, tôi đã thấy bạn J bước ra từ phòng ký túc của tôi, đập cửa “rầm” một tiếng sau đó hùng hổ đá văng cửa phòng ký túc đối diện.
Tôi hoảng hốt chạy tới xem có chuyện gì, vừa tới cửa đã nghe tiếng cô ấy quát lên:
“Điều kiện để xin học bổng của trường này là gì chúng mày đọc không hiểu à?”
“Điện thoại, máy tính còn có quần áo hàng hiệu, chúng mày nói xem, chúng mày giống người nghèo chỗ nào?”
“Chạy ra giành học bổng, tao thấy xấu mặt thay chúng mày!”
“Lườm tao làm gì! Lườm tao làm gì! Đừng tưởng người ta thật thà mà không coi người ta ra gì! Sao hả? Còn muốn động tay động chân à, tới đây, chúng mày tưởng tao dễ bắt nạt như ** à? Chúng mày giỏi thì giết quách tao luôn đi, không giết được tao thì đừng trách tao đập chúng mày!”
……
Đã có người chạy tới can ngăn, tôi không biết đã xảy ra chuyện gì nhưng vẫn vào theo sau.
Tôi khuyên cô ấy: “Làm loạn gì thế, làm loạn gì thế, mau đi về đi.”
J hất tay tôi: “Đừng cản tao, hôm nay nếu bọn nó không trả lại tiền học bổng đã nhận thì tao không để yên đâu!”
Tôi vẫn tiếp tục khuyên ngăn cô ấy: “Họ sẽ trả mà, cậu về trước đi, cậu không về thì họ đi thế nào được.”
J nhận ra là tôi, hơn nữa cũng nhiều người kéo tới, cuối cùng cô ấy cũng bị tôi lôi về phòng.
Xong việc tôi mới biết, trong khoa chúng tôi có một bạn nữ điều kiện gia đình rất khó khăn, nhà trường cấp học bổng, mỗi năm sẽ lập ra một danh sách, tiền học bổng đủ cho phí sinh hoạt của một học kỳ.
Bạn gái đó rất thật thà lại hướng nội, lần này bạn ấy cũng xin học bổng, nhưng khi danh sách sắp được công bố, bạn ấy mới phát hiện những bạn học khác cũng xin học bổng như mình thường xuyên tới văn phòng xin xỏ. Bạn ấy sốt ruột, gắng gượng tới văn phòng một lần, kết quả là gặp được thầy giáo phụ trách đóng dấu danh sách, trong danh sách đó không có tên bạn ấy, mà những người có tên trong danh sách điều kiện gia đình lại tốt hơn bạn ấy nhiều. Bạn ấy khó chịu trong lòng, liền ngồi một mình trong sân thể dục khóc, đúng lúc J đi qua gặp được.
Trên đường J đưa bạn ấy về thì đã nghe kể hết mọi chuyện, biết được trong danh sách đó có tên của ba người trong phòng ký túc đối diện, liền đạp cửa phòng đó, sau đó thì diễn ra cảnh tượng kia.
Sau đó bạn học kia giành được học bổng, không phải vì có người xin rút mà vì bạn J lên văn phòng trường một chuyến. Bạn học đó muốn cảm ơn J nên mời cô ấy ăn một bữa KFC.
Từ đó về sau, cái nhìn của tôi với bạn J liền thay đổi, cảm thấy cô ấy là người hiệp nghĩa, con người ngay thẳng, đối xử với mọi người bình đẳng.
Mỗi lần chúng tôi gặp nhau là có thể tâm sự cả một ngày trời. Tôi hỏi: “Khi mới vào trường, sao cậu lại nhuộm tóc, biến thành bộ dạng * ngốc nghếch thế?”
Cô ấy nghĩ nghĩ rồi đáp: “Ôi dào, đừng nhắc tới nữa, là do mình gặp phải một thợ làm tóc ngu không chịu được, nói muốn đổi màu tóc cho mình, nhuộm thôi đã đành, chẳng hiểu sao còn tẩy màu tóc của mình thành ra như thế, cậu không thấy là sau đợt huấn luyện quân sự mình liền đổi màu tóc à?”
Hình như là vậy, sau đợt huấn luyện quân sự là lễ Quốc khánh, sau kỳ nghỉ dài, mái tóc của cô ấy cũng trở về màu đen.
Tôi hỏi: “Sao cậu cứ bay hết từ nơi này đến nơi khác thế, rong chơi bên ngoài vui thế à?”
Cô ấy đáp: “Haiz, mình không muốn đi học ở đây. Bố mình bảo mình chỉ cần tới trường báo danh thôi, báo danh xong mình đi đâu ông ấy cũng mặc kệ mình. Sau đó mình cứ đi khắp nơi như vậy.”
Ông bố này cũng tốt thật, tôi thầm nghĩ, bạn J lại nói tiếp: “Mình muốn vào trường của bạn trai mình nhưng bố mình không cho, giữ mình ở đây suốt một tháng. Trên người mình không có tiền, khó khăn lắm mới trốn được tới chỗ bạn trai, cậu ta lại đòi chia tay, ha ha.”
Đúng vậy, cô bạn J của tôi là kiểu tiểu thư nhà giàu nhưng cuộc sống của cô ấy không khác gì người bình thường, cũng bị cha mẹ can thiệp, cũng sẽ trốn nhà ra đi, cũng bị người ta “đá”…
Năm thứ tư đại học, có một nửa học kỳ chúng tôi phải đi thực tập nơi khác, phòng thuê để không, đồ đạc để bên trong sẽ không an toàn. Bạn J đề nghị chúng tôi cùng tìm một khu ký túc xá không cấm nuôi chó, hai chúng tôi cùng dọn về đó ở, nuôi cả chú chó ở đó.
Tôi nói: “Cậu tìm được khu ký túc xá nào như vậy đi đã rồi hẵng đến tìm mình.”
Không ngờ cô ấy thực sự tìm được, trong ký túc xá có hai đàn em khóa dưới, đều là người thích chó, sau đó chúng tôi đưa chó dọn về đó ở. Hai người ngủ cách nhau một vách ngăn, hàng đêm thủ thỉ chuyện trò, tình cảm càng thân thiết, cuối cùng trở thành bạn thân không giấu giếm nhau điều gì.
002.
Lần đầu tiên chúng tôi cãi nhau là vì cô ấy hẹn hò với một người bạn trai mà tôi không thích.
Tôi là người thẳng thắn, thích hay không đều thể hiện rõ trên mặt. J và cậu bạn kia hẹn hò chưa được bao lâu thì đến lễ Giáng sinh, cậu bạn kia rủ J tới quán bar ăn mừng ngày lễ, hỏi tôi có muốn đi cùng hay không.
Tôi không thích cậu bạn đó, cậu ấy đúng là rất đẹp trai nhưng lại quá ham chơi.
Thực ra theo quan điểm của tôi bây giờ, khi áp lực quá lớn thì đi quán bar thư giãn cũng không có gì đáng trách. Mỗi người đều có cách sống riêng của mình, nếu bạn không thích thì đừng tham gia nhưng không thể khinh thường hay thiếu tôn trọng họ.
Tôi sợ nhất nơi ồn ào, quá ồn ào sẽ làm tôi đau đầu. Những nơi như quán bar đương nhiên không thích hợp với tôi, tôi không muốn đi cũng không muốn J đi.
J thực ra cũng chưa từng đi quán bar nên khá tò mò, trong lòng đã xao động.
Tôi thấy vẻ mặt của cô ấy thì hơi tức giận. Đúng vậy, khi đó tôi rất làm ra vẻ, người ta cùng bạn trai ra ngoài chơi ngày lễ, tôi lại giống bà mẹ già cấm này cấm nọ.
J thấy tôi không vui liền nói: “Cậu cũng đừng ở nhà một mình, buồn lắm, cùng mình ra ngoài chơi đi.”
Cô ấy có ý tốt, tôi lại không biết điều, trừng mắt với cô ấy, nói: “Muốn đi thì cậu tự đi đi, mình không thèm làm ‘kỳ đà cản mũi’ đâu.”
Cô ấy thấy tôi như vậy cũng có phần tức giận, nói: “Haiz, sao cậu lại có thái độ như thế chứ, nếu thích thì đi, không thích thì thôi, nói chuyện nghe khó chịu, đâm chọc ai đấy?”
Tôi “đốp chát” lại: “Mình muốn đâm chọc ai thì đâm chọc người đấy, cậu quan tâm làm gì.”
Thực ra đây không phải chuyện gì lớn, cô ấy có lẽ không thèm cãi cọ với tôi liền xông ra ngoài. Trong phòng ký túc có hai đàn em khóa dưới cũng lần lượt đi hẹn hò, con chó của tôi cũng nằm trên bàn sách lăn ra ngủ, không hề phát hiện tôi đang buồn bã.
Tôi cảm thấy một mình buồn bã chẳng ích lợi gì vì thế tôi lên mạng tìm bộ phim hài xem.
Xem được một nửa phim thì nghe có tiếng người mở cửa.
Tôi nhìn đồng hồ, mới 9 giờ hơn, J đi ra ngoài còn chưa tới một giờ, chắc chắn không thể là cô ấy. Nghĩ như vậy, tôi lại bình tĩnh tiếp ngồi xem phim.
Kết quả cửa mở, một cơn gió ùa vào, có cái gì đó bay về phía tôi, tôi không bắt được nên rơi xuống đất.
Tôi nhìn trên mặt đất, là một chiếc mũ len có nhúm len màu vàng, nhìn lại người vừa ném đồ về phía tôi, là J. Cô ấy đội một cái mũ giống hệt cái của tôi màu đen, đứng cạnh bàn của cô ấy lườm tôi.
“Còn không nhặt lên à, quà Giáng sinh tặng cậu đấy!” Cô ấy “Hừ” một tiếng, kéo ghế ra ngồi xuống.
Tôi vội vàng nhặt mũ lên, xem xem một hồi, rất hợp với tôi, vui vẻ cảm ơn cô ấy.
Cô ấy vẫn không thèm trả lời tôi, tôi liền đi tới bên cạnh cô ấy, cố ý muốn trêu cô ấy, liền giơ tay cởi mũ trên đầu cô ấy xuống.
Cô ấy không nhúc nhích nhưng tôi lại kêu “Á” một tiếng.
Cô ấy vẫn luôn để tóc dài màu nâu, uốn sóng lọn to, vì cô ấy cực kỳ chú trọng việc dưỡng tóc nên độ bóng rất đẹp.
Lúc trước cô ấy luôn tự khen, nói rằng cô ấy thích nhất cái mũi của mình mà tôi lại nói, tôi thích nhất mái tóc dài của cô ấy.
Nhưng mái tóc trước mắt tôi lúc này vừa ngắn lại vừa rối, không biết là do đội mũ hay là vì cố ý cào cào thành ra như vậy.
Tôi hỏi: “Tóc cậu đâu mất rồi? Sao lại biến thành thế này?”
J đắc ý nói: “Không phải cậu nói cậu thích nhất mái tóc dài của mình à? Nhìn thứ mà cậu thích nhất bị phá hủy có cảm giác thế nào? Cậu làm mình tức giận thì mình cũng phải khiến cậu đau lòng, hừ!”
Bạn học J à, tóc là của cậu mà cậu còn không đau lòng thì tôi đây đau lòng cái con khỉ, đúng là trẻ con quá mà.
Thôi được rồi, tôi thừa nhận, tôi đau lòng muốn chết đây, cái mái tóc ngắn củn này bao giờ mới lại dài ra đây?
003.
Bạn J kêu gào muốn giảm béo, cô ấy cao 1m71, cân nặng 55kg. Tôi cảm thấy cả người cô ấy không chỗ nào thừa thịt, đặc biệt là phần ngực, thậm chí còn thiếu thịt hơn.