Truyện tranh >> Mỹ Nhân Quạt Hợp Hoan >>Chương 1: Gió Bấc Lại Thổi

Mỹ Nhân Quạt Hợp Hoan - Chương 1: Gió Bấc Lại Thổi


Chương 1 : Gió bấc lại thổi

Đại Đường năm Trường Khánh thứ tư (1), vào ngày Lập Hạ, cái hiu quạnh của đầu xuân đã qua, làn nước ấm, gió mơn man làm nền nã thêm rặng trúc tía thẳng tắp, sắc xanh phủ râm một vùng ngoài thành Nhuận Châu. Hoa đào đang nở rộ. Trong thành, người trên đường đi lại vội vã, tập trung về một hướng, là phủ họ Phương ở phố Quan Tiền tại cổng thành đông.

(1) Năm 824.

Lập Hạ là ngày đặt hàng cho những chiếc quạt hợp hoan nhà họ Phương.

Họ Phương là dòng họ làm quạt đứng đầu thành Nhuận Châu, thậm chí là cả Đại Đường. Khắp mọi miền đất nước, quá nửa quạt hợp hoan là hàng của phường quạt này.

Ngày đặt hàng quạt của họ Phương là ngày mà người dân thành Nhuận Châu xem trọng nhất.

Nhà lớn của họ Phương chiếm hết cả mặt phố, cổng xây kiểu chồng diêm (2) cao nhất phố này, bốn trụ lớn sơn son hai người ôm mới xuể. Trên hai cửa hông bên cạnh cửa chính điêu khắc tranh vẽ rực rỡ, chính giữa là ba chữ lớn đề “Phố Quan Tiền” bằng mực đen. Hai bên kiến trúc bằng gạch xanh (3), hoàn toàn khác với láng giềng dùng tùng trúc sum sê (4), khí may vào nhà (5). Kiến trúc điêu khắc nơi này thể hiện sự tài hoa khéo léo tranh tinh xảo với hóa công, rất phù hợp với thân phận thế gia chế tạo quạt của họ Phương.

(2) 挑檐 là một kiểu kiến trúc, được biết đến là mái chồng diêm, hay còn gọi là mái kép, kiểu "hai tầng tám mái" như chùa Kim Liên - Hà Nội, hoặc chùa Tây Phương - Thạch Thất.

(3) 砖雕 chuyên điêu là kiểu kiến trúc cổ trong nghệ thuật điêu khắc, khắc hình muôn vật hay sơn thủy trên những phiến gạch đen phủ ngoài, bên trong là gạch vàng.

(4) 竹苞松茂 tùng trúc sum sê, ý nói cửa nhà thịnh vượng.

(5) 紫气东来 nghĩa là mây tía từ phía đông tới, người xưa xem mây tía là may mắn, từ mái hiên phía đông đi vào cả nhà sẽ cát tường, bình an.

Trước cổng lớn Phương phủ dựng đài xem quạt cao ba tấc hướng ra mặt phố, treo vô số đèn lồng màu đỏ tinh xảo, bao trùm một bầu không khí vui vẻ.

Đại quản sự Hà Lịch đứng trước đài, ánh mắt hắn sáng sủa, sống mũi thẳng, môi hơi nhếch lên nở nụ cười nhạt, bộc lộ thái độ ôn hòa đúng mực. Hắn mặc trên mình y phục màu đỏ tươi bằng gấm Tứ Xuyên, ống tay hẹp thêu ẩn hoa văn Bảo Tương, bên hông giắt ngọc Kim Tương và bội Như Ý, hài hòa với sắc đỏ dải đèn lồng trên đài xem quạt. Mà người hắn cũng như tên, đĩnh đạc như cây lịch, cử chỉ ưu nhã kiểu cách, mặt mày thanh tú, có tấm lòng bao dung độ lượng, là một người xuất sắc vừa có phong độ lại mang ý vị riêng.

Thật ra thì Hà Lịch vẫn luôn không để lộ ra điều gì hơn người, vui buồn đều chẳng nhếch mắt, là một lão thành làm việc chín chắn cẩn thận, về chuyện chưng diện cũng không quá để ý. Hôm nay là ngày hội đặt hàng quạt của họ Phương, vốn luôn được xem là buổi lễ long trọng nhất năm, nên hắn mới ăn mặc xiêm áo bắt mắt như thế.

Các thương gia buôn quạt lục tục kéo đến đều tươi cười nịnh nọt, sôi nổi chuyện trò với Hà Lịch. Không một ai dám ngó lơ hắn, dù hắn không phải là chủ nhà họ Phương đi nữa. Hà Lịch là con trai của tỷ tỷ sinh đôi với chính thất phu nhân Khương thị của gia chủ họ Phương – Phương Đức Thanh, từ nhỏ hắn đã lớn lên ở nhà họ Phương và nhận được sự coi trọng của Phương Đức Thanh. Từ việc vặt trong phủ đến chuyện lớn ở phường quạt đều do hắn gánh vác. Hắn chỉ đứng dưới Phương Đức Thanh cùng với nhị lang họ Phương – Phương Lâm Nhữ.

Ánh nắng chói chang, vầng mặt trời lộ ra khỏi áng mây. Hà Lịch ngẩng lên nhìn màu trời, tính toán thời gian, khẽ gật đầu với những người buôn quạt, nghiêng đầu nói vài câu với quản sự phường quạt Phương Thành, rồi xoay người vào Phương phủ.

Sự xa hoa của Phương phủ không hề kém với bậc hầu môn thế gia. Sảnh Kim Xương là sảnh tiếp khách phía trước có kiến trúc đồ sộ, không gian rộng rãi, trang hoàng lộng lẫy.

Đi qua sảnh Kim Xương là gian Hồng Xuân để đãi tiệc rượu. Qua khỏi gian chính Hồng Xuân, đi về hướng đông là sân chính nhà trên, nhà trong núi Trừng Y. Đầu vườn thoảng mùi hương nồng nàn ấm áp, hoa lạ khoe sắc. Hành lang gấp khúc u tối, lối nhỏ quanh co, người hầu hạ luôn ra ra vào vào, người đến người đi không nghe ra tiếng bước chân. Bên ngoài gian Ngọc Lan của Phương Đức Thanh là hai mươi cô hầu đứng trang nghiêm và kính trọng, đều để kiểu tóc búi hai bên giống nhau, áo quần màu đỏ, dáng người na ná, mặt mày đoan chính, đều là người đẹp hiếm thấy trên đời.

Hà Lịch nhìn thoáng bên trong gian Ngọc Lan, chưa vội bước vào mà qua nhà đài Sấu Thạch của nhị lang Phương Lâm Nhữ trước.

Nhà đài Sấu Thạch xây men nước, phía sau là một ao rất rộng, bên ngoài có tường hồng che phân nửa. Cửa vào vườn có đá xếp thành lối nhỏ, hai bên thấp thoáng có tử đằng quấn quanh núi đá, tiếng nước trong trẻo rơi vào tai. Đây là nơi thanh tịnh và mát mẻ nhất vào ngày mùa hạ.

Nô tì bên thân của Lâm Nhữ - Uyển Sơ đang cho chim sẻ ăn ở dưới hiên, nét mặt hài hòa, búi tóc hai bên. Nàng mặc áo trắng tay hẹp, khoác áo choàng màu xanh đậm đến nửa cánh tay bên ngoài, phía dưới là váy vàng hơi ngả đỏ. Áo quần bình thường của hầu gái nhưng nàng mặc trên người lại lộ ra sự già dặn. Nàng ngẩng đầu mỉm cười nhìn Hà Lịch, cất đi đồ ăn cho chim sẻ trên tay mình, xoay người vén mành trúc tía lên, cất giọng thánh thót: “Nhị lang, Hà đại lang đến rồi.” Bên trong không có người đáp, mãi một lúc mới có tiếng nói lười biếng lại khàn khàn vang lên: “Để huynh ấy vào.”

Hà Lịch khẽ run rẩy khó nhận ra, da gà trên người đều nổi cả lên. Hắn nảy ra một suy nghĩ không hợp thời, đều nói mỹ nhân trên những chiếc quạt nhà họ Phương là tuyệt thế vô song, nhưng nếu biểu đệ của hắn là nữ, thì tất cả người đẹp trên quạt đều phải chào thua.

Trong phòng thoảng mùi đàn hương, lư hương Bác Sơn khảm vàng tỏa khói lượn lờ. Trên bệ gỗ đàn chạm khắc hoa văn đặt ở đầu án là bình trà hình hoa sáu cánh làm bằng sứ Thanh Hoa. Bốn chén trà đặt trên đĩa cùng loại sứ Thanh Hoa với bình, mỗi bên là hộp lá trà chất lượng như nhau. Phía sau bệ đàn mộc là tấm bình phong dựng trên nền, trên mặt bình phong là hình tùng trúc mai (6) bằng tơ lụa trắng. Bóng người bên trong rọi lên bình phong, tóc dài búi lên đỉnh bằng một cây trâm bằng gỗ mun, dáng người cao ngất đang dang hai tay mặc áo bào vừa khít với thân mình. Hầu gái quỳ gối trước mặt buộc đai lưng cho y, giắt thêm những chiếc túi hương lặt vặt. Chẳng mấy chốc đã xong xuôi, y bước ra. Trang phục lụa thêu hoa văn màu xanh lam càng làm nổi bật làn da trắng như tuyết, lộ ra một đôi mắt sáng ngời, khi nhìn như có ánh sáng phát ra. Hà Lịch liếc mắt một cái rồi vội rũ mi, giọng hơi khàn: “Thời giờ sắp đến, phải mau đến hội đặt hàng quạt, không biết phía di phụ (7) đã chuẩn bị xong chưa?”

(6) 岁寒三友: Người Trung Quốc quan niệm, tùng, trúc, mai là ba loại cây không bị cái giá rét của mùa đông làm ảnh hưởng, nên có tên “tuế hàn tam hữu”, hiên ngang hứng gió ăn sương.

(7) Di phụ là cách gọi dượng.

Khóe môi Lâm Nhữ hơi nhếch lên cười cười. Ý cười trên mặt làm lộ lên nét tinh anh ngời ngời, trông thần thái càng thêm chói mắt, y nói: “Cũng bao năm rồi, phụ thân sao có thể chưa chuẩn bị xong xuôi được.”

Hà Lịch liếc mắt nhìn y, cười xòa, mặt hơi ửng đỏ. Lâm Nhữ phất phất tay áo, mỗi động tác giơ tay nhấc chân cũng có phong thái ung dung, nhìn Hà Lịch cười nói: “Mà thôi, để huynh khỏi phải bồn chồn, đệ cùng huynh tới đợi bên ngoài gian Ngọc Lan vậy.”

Hai người sóng vai ra cửa, đi được vài bước, Lâm Nhữ quay lại phân phó Uyển Sơ: “Đi qua lầu Thuật Hương hỏi nhị nương xem bữa sáng hôm nay có ăn được thêm vào miếng nào không, hỏi thăm sức khỏe xem thế nào? Nếu như khó chịu thì mời Vương đại phu đến chẩn trị xem sao.” Uyển Sơ thưa vâng, nhanh chóng rời đi.

Hà Lịch dõi theo bóng dáng nàng nhìn về hướng nam, có thể thấy mái hiên cong cong của lầu Thuật Hương.

Nhị nương trong miệng của Lâm Nhữ là muội muội sinh đôi - Cẩm Phong, mắc bệnh từ trong thai nên khi ra đời vẫn luôn nằm trên giường bệnh, rất ít khi lộ diện. Hà Lịch là biểu ca ruột thịt sống ở nhà họ Phương mấy chục năm, cũng chỉ gặp cô biểu muội này vào những bữa cơm đoàn viên đêm giao thừa. Cẩm Phong giống Lâm Nhữ như đúc, gương mặt trái xoan, hàng mi thanh tú, mắt phượng cong cong, lúc chớp mắt cũng lộ ra thần sắc khiến người khác không dám nhìn thẳng. Người thì rạng rỡ, người lại yếu ớt như sương thu hàm lệ khiến cho người khác thương tiếc.

Gia chủ Phương phủ cùng chính thất phu nhân Phương Khương thị, với Lâm Nhữ tham gia quản sự đều rất quan tâm Cẩm Phong. Thuốc thang đắt cỡ nào chỉ cần một lời của đại phu, họ Phương đều chi ra để Cẩm Phong bồi bổ thân thể, nhưng vẫn không có khởi sắc.

Nắng mai chan hòa, từng vạt vàng rọi xuống từ trên không, đình đài lầu các như được phủ một tầng ánh sáng. Sắc xuân tháng ba tươi đẹp, mùi hương thoảng thấm vào ruột gan. Lâm Nhữ ngẩng đầu bước đi, bỗng dừng chân, chân mày cau lại.

“Sao thế?” Hà Lịch không hiểu. Lâm Nhữ trầm ngâm trong chốc lát, như có suy nghĩ mà nói: “Hình như có tiếng bước chân lộn xộn, còn có tiếng kêu la.”

“Hình như phát ra từ nhà trên?” Hà Lịch kinh ngạc.

Nhà họ Phương phân bốn khu theo hướng đông tây nam bắc. Phía nam là sảnh gian đãi khách. Phía đông là nhà trong núi Trừng Y, mấy chỗ đền đài lầu quán là nơi ở của Phương Đức Thanh với chính thất phu nhân Phương Khương thị cùng con dòng chính Lâm Nhữ với Cẩm Phong. Phía tây là vườn Chí Thiện, cũng có một số phòng xá, nơi ở của thiếp thất Liễu thị với con dòng thứ là trưởng tử Du Phong cùng đại nương Phương Hương Văn, tam nương Phương Tú Khởi. Phía bắc là ụ Quy Nhàn - chỗ ở của Hà Lịch cùng mẫu thân hắn – Hà Khương thị, thêm đệ đệ Hà Dư.

Ụ Quy Nhàn cùng vườn Chí Thiện cách nơi này rất xa, không thể nghe được tiếng vọng từ bên kia lại, còn bảo nhà trong núi Trừng Y có tiếng ồn ào thì thật khó tin. Phương Khương thị tâm tính lương thiện, chưa từng nặng lời với người hầu câu nào. Phương Đức Thanh cùng Lâm Nhữ rất nghiêm khắc, vì để Cẩm Phong được tịnh dưỡng nên ở nhà trong núi Trừng Y đừng nói đến ồn ào, bình thường tiếng bước chân cũng rất khẽ.

Mà nói, Hà Lịch cũng đã nghe tiếng ồn ào, theo phương hướng thì đến từ gian Ngọc Lan của Phương Đức Thanh, mặt mày hắn không khỏi biến sắc.

“Mau đi xem sao.” Lâm Nhữ quát khẽ, nhấc y phục lên vội chạy đi.

Truyện convert hay : Đô Thị Siêu Cấp Thiên Đế

Mỹ Nhân Quạt Hợp Hoan - Chương 1: Gió Bấc Lại Thổi